Cách đây năm 50, có một chàng trai thanh niên lớn lên từ vùng khô cằn sỏi đá Quảng Trị, được sự khuyến khích cuả bạn bè, đã lặn lội đến Đài Phát Thanh Pháp Á để dự cuộc tuyển lựa ca sĩ với bản nhạc “Trăng thanh bình” chàng thanh niên đó đã được ông Hoàng cao Thăng - thân phụ của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm - Tháng 6 trời nưa - miễn cho các thang bậc ở vòng chung kết để trở thành ca sĩ hát ngay tai đài như một ca sĩ chuyên nghiệp.
Chàng thanh niên trở thành ca sĩ ngày đó không ai khác khác hơn là nam ca sĩ Duy Khánh.
Những năm tháng sau này, giọng ca của Duy Khánh càng ngày càng điêu luyện với những bài ca đượm tình Quê hương dân tộc. Nhất là các bản nhạc về đất thần kinh thơ mộng của xứ Huế.
Ngoài việc hát thường trực cho Đài Pháp Á, Duy Khánh còn xuất hiện trong các chương trình Đại nhạc hội, hoặc phụ diễn Văn nghệ trước khi chiếu phim. Quần chúng khán thính giả cuối thập niên 50 đầu 60 càng say sưa giọng ca của nam ca sĩ Duy Khánh bao nhiêu lại càng thích thú khi anh hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai thật điệu nghệ, đây là cặp song ca lý tưởng của các sân khấu Đại nhạc hội thời đó.
Giữa thập niên 60, nam ca sĩ Duy Khánh cộng tác với Đài phát thanh Sàigon trong chương trình ca nhạc Trường Sơn do chính anh thực hiện. Cùng lúc anh bắt đầu sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Ai ra xứ Huế”. Kế tiếp là các bản Thương về miền Trung, Bao giờ em quên, Giã từ Đà lạt, Trường cũ tình xưa, Biết trả lời sao, Mưa bay trong đời, Lối về đất mẹ, Vùng quê tương lai, Đêm bơ vơ, Xin anh giữ trọn tình quê, và Trường ca Lớp lớp Phù sa. v. v...
Bản nhạc “Xin anh giữ trọn tình quê, được nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác vào dịp anh cùng phái đoàn văn nghệ Quân đội sang Lào tham dự Hội chợThat Luông, để nhắc nhở những người Việt Nam sinh sống ở Lào luôn luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam.
Đã có một chương trình ca nhạc hàng tuần trên đài phát thanh Sàigon, ca nhạc sĩ Duy Khánh đã tự lo liệu một nhà xuất bản Nhạc “1001 Bài Ca Hay” để in những bản nhạc nổi tiếng và hay của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Hồng Duyệt, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Dzũng Chinh, Hoài An, Anh Việt Thu và Duy Khánh. v…v…
Khi nền ca nhạc VN thịnh hành vào đầu thập niên 70, cùng lúc giọng ca Duy Khánh càng ngày càng thăng hoa như những chùm pháo bông rực rỡ là lúc anh hoạt động hăng hái nhất. Cộng tác với Đài Truyền hình VN với chương trình Ca nhạc Trường Sơn, rồi Đại nhạc hội Trường Sơn một tháng một lần ở rạp Quốc Thanh, mở lớp dạy nhạc trên đường Trần Hưng Đạo và sản xuất băng nhạc loại Tape lớn và Cassette cũng mang tên Trường Sơn.
Cơn Hồng thủy đến vào cuối tháng 4-75. Hầu như anh bị mất tất cả. Tay trắng tay, lại bị chính quyền mới cấm hát. Mãi sau này, anh mới thành lập được đoàn Quê Hương trình diễn ở các tỉnh Hậu Giang, nhưng chỉ sống qua ngày, hầu giúp đỡ một số anh chị em nghệ sĩ còn kẹt lại ở quê nhà.
Đầu năm 1988, anh và gia đình được cô em gái bảo lãnh qua Hoa kỳ định cư. Những ngày sống tạm tại trại Tị Nạn Batăn, Phi Luật Tân anh đã sáng tác bài “Nỗi niềm riêng” nói lên tâm trạng của một người phải xa quê hương muôn trùng biền biệt, người đi rồi nửa đời yên thân, thương những người ở lại một đời long đong. Ngoài bài hát “Nỗi niềm riêng”, anh còn sáng tác bài “Huế đẹp - Huế Thơ”, nói về xứ Huế không còn đẹp và mộng như xưa vì những người bộ đội với dép Trị Thiên đã làm mất tất cả tiếng cười, nón bài thơ và thay đổi toàn bộ mặt xứ Huế.
Sau 13 năm bị áp bức câm nín, Duy Khánh tiếng hát của Quê Hương Muôn Thuở đã cất tiếng hát trở lại tại miền Nam Cali cùng khắp tất các tiều bang của nước Mỹ và cuốn băng nhạc Duy Khánh - tác giả tác phẩm đã được tung ra thị trường, quần chúng khán giả đã đón nhận một cách nồng nhiệt trong một tháng đã phải tái bản.
Năm 1989, lần đầu tiên nam ca nhạc sĩ Duy Khánh đến Úc trình diễn ở 2 thành phố đông người Việt: Sydney và Melbourne, cả hai nơi anh đều thành công vượt bực. Lần sau cùng anh đến Úc là tháng 8 năm 2000, cũng là dịp anh kỷ niệm 45 năm một đời ca hát. Dịp này anh thực hiện một loạt chương trình CD “Duy Khánh Tuyệt phẩm”.
Trong tuyệt phẩm số 1 với chủ đề “Từ tiếng hát tiếp nối”, đã có lời mở đầu của nam ca nhạc sĩ Duy Khánh như sau “Kính thưa qúi vị và các bạn trẻ yêu nhạc đứng ở cái mốc thời gian 45 năm nghệ thuật ngoảnh nhìn lại con đường thăm thẳm đi qua trong hào quang của tuổi thanh xuân và của những sân khấu rực rỡ, trong giọng âm của những mùa nhạc hội tưng bừng tôi như người lữ khách sắp dừng chân giữa chiều nắng xế bâng khuâng nhìn trời cao, cám ơn số phận đã dành cho tôi nhiều ân sủng, nhìn khắp xung quang cảm ơn bao nhiêu tác giả của những âm thanh làm đẹp cho đời, chắp cánh cho tiếng hát tôi bay cao trong vòm trời vĩnh cửu, cám ơn bạn bè đã cho tôi tình thân ái, cám ơn khán thính giả đã đón nhận tiếng hát tôi thật nồng ấm và thủy chung, bên cạnh sự cố gắng thực hiện những chương trình chọn lọc góp nhặt tinh hoa của gần hết cuộc đời ca hát để gởi đến qúi vị thính giả niềm ao ước của riêng tôi là xin còn được mãi mãi là con chim Đỗ Quyên ngửa cổ hát những âm thanh rướm máu qua đêm sâu cho tới bình minh mãi mãi ngợi ca Quê hương và ngóng đợi một ngày về”.
Nhưng niềm ước ao của con chim “Đỗ Quyên” Duy Khánh không được bao lâu, vì tuổi đời chồng chất với tấm thân mệt mỏi theo năm tháng, anh ngã bệnh và theo qui luật của Vô thường, sau ba tháng nằm trên giường bịnh trưa 12 tháng 2 năm 2003 anh đã trút hơi thở cuối cùng bỏ lại người vợ hiền và đàn con. Thể theo nguyện vọng của ca nhạc sĩ Duy Khánh, anh đã được rửa tội theo đạo Công Giáo với tên thánh Micae.
Trước sự ra đi của ca nhạc sĩ Duy Khánh Nguyễn văn Diệp với tư cách của một người em, người bạn Văn nghệ, tôi và gia đình xin cầu nguyện Hương Linh anh sớm về nước Chúa và xin chia buồn cùng chị Thúy Hoa và các cháu.